Theo nghiên cứu, mỗi người chỉ nên ăn tối đa 5g muối trong một ngày. Tuy nhiên, thống kê cho thấy người Việt Nam hiện đang tiêu thụ quá nhiều muối. Vậy liệu ăn mặn nhiều có tốt không? Hãy tìm hiểu thông qua bài viết này nhé!
1. Ăn mặn nhiều có tốt không?
1.1 Thói quen ăn mặn của người Việt Nam

Theo kết quả điều tra của Bộ y tế năm 2015, trung bình một người Việt Nam tiêu thụ 9,4g muối/ngày, cao gần gấp đôi so với lượng tiêu thụ mà WHO đã khuyến cáo (5g mỗi ngày). Một phần nguyên nhân đến từ thói quen ăn uống, một phần là do Việt Nam rất phong phú về các loại gia vị từ mắm, muối, hạt nêm, bột canh, mắm nêm,…
Theo nghiên cứu của Viện Dinh Dưỡng Quốc gia, 81% lượng muối tiêu thụ hàng ngày tại nước ta chủ yếu là từ muối và gia vị trong quá trình chế biến, nấu nướng và khi ăn, 11% từ thực phẩm chế biến sẵn, trong thực phẩm tự nhiên chỉ chiếm 7%. Bột canh và nước mắm là nguồn chính cung cấp muối hàng ngày cùng với mì chính và muối tinh. Điều này bạn cũng có thể dễ dàng nhận ra trong bữa cơm gia đình thường có đến 3 món mặn, 1 món canh và luôn kèm theo các loại nước chấm như nước mắm, muối tiêu,…
1.2 Ăn mặn nhiều có tốt không?

Muối là loại gia vị có vai trò quan trọng đối với sức khỏe mỗi người. Hàng ngày, lượng muối sẽ mất đi thông qua các hoạt động của cơ thể như đi vệ sinh, tiết mồ hôi, nước mắt,… Bổ sung muối cho cơ thể bằng con đường thực phẩm là phương pháp chính để bù lại lượng muối mất đi. Tuy nhiên, việc ăn mặn thường xuyên sẽ ảnh hưởng xấu đến sức khỏe của bạn.
Cụ thể thói quen ăn mặn sẽ làm lượng muối Natri tích tụ theo thời gian, vượt khỏi khả năng loại bỏ của thận. Nếu thận không thể đào thải hết lượng muối Natri dư thừa ra khỏi cơ thể, chúng sẽ tăng lên trong máu. Muối Natri sẽ giữ nước và làm cho thể tích máu trong cơ thể tăng lên do đó tim phải hoạt động nhiều hơn. Theo thời gian, nếu tình trạng này kéo dài sẽ làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch, đột quỵ và thận.
2. Ăn mặn nhiều bị bệnh gì?

Thói quen ăn mặn ảnh hưởng đến tình trạng sức khỏe của mọi độ tuổi, cả người trong độ tuổi thanh niên và trung niên đang có sức khỏe tốt. Việc thường xuyên ăn mặn có thể làm tăng nguy cơ mắc một số bệnh như:
2.1 Tăng huyết áp
Nhiều nghiên cứu chứng minh khi cơ thể hấp thụ lượng muối quá mức bình thường sẽ làm tăng áp lực của máu lên thành động mạch. Vì vậy, dùng quá nhiều muối đồng nghĩa với nguy cơ tăng huyết áp. Người bị cao huyết áp sẽ có nguy cơ đột quỵ hay gia tăng khả năng mắc bệnh tim.
2.2 Loét dạ dày và tá tràng, có khả năng gây ung thư dạ dày
Trong ung thư dạ dày, vi khuẩn HP là nguyên nhân chính. Muối là yếu tố thúc đẩy hoạt động của vi khuẩn này làm chúng phát triển nhanh hơn và hoạt động mạnh hơn. Đồng thời, muối còn hoạt động như một yếu tố kích thích viêm trên thành dạ dày, làm thành dạ dày nhạy cảm hơn với các yếu tố gây ung thư khác.
2.3 Làm hại thận
Ăn mặn sẽ khiến cơ thể phải thu nạp nhiều nước, dẫn tới tuần hoàn máu đến cầu thận tăng, buộc thận phải làm việc nhiều hơn để lọc máu. Nếu phải làm việc trong một thời gian dài, thận sẽ trở nên yếu đi.
2.4 Gây bệnh tim
Lượng muối lớn đưa vào cơ thể do thói quen tiêu thụ đồ ăn mặn khiến chúng ta phải uống nhiều nước, tăng khối lượng máu tuần hoàn khiến tim phải làm việc nhiều hơn. Tình trạng này kéo dài làm tâm thất trái to lên, dẫn đến hiện tượng suy tim.
2.5 Gây loãng xương
Việc ăn mặn thường xuyên có thể gây mất canxi vì muối chứa các ion natri, khi natri thải ra khỏi cơ thể sẽ mang theo một phần icon canxi theo. Trong khi canxi là yếu tố quan trọng giúp cho xương chắc khỏe. Khi xương bị mất canxi chúng sẽ trở nên yếu và dễ gãy hơn. Điều này làm tăng nguy cơ loãng xương.
Ngoài ra việc ăn mặn còn gây ra một số triệu chứng như: sưng phù, đầy hơi, ợ nóng rát,…
3. Ăn mặn tăng huyết áp có đúng không?
Như đã nói ở trên, ăn mặn là một trong những nguyên nhân làm tăng huyết áp. Cụ thể, việc ăn nhiều muối làm tăng tính thẩm thấu của màng tế bào với natri. Ion natri sẽ chuyển nhiều vào tế bào cơ trơn của thành mạch làm tăng nước trong tế bào. Từ đó tăng trương lực thành mạch, gây co mạch, tăng sức cản ngoại vi dẫn đến tăng huyết áp. Hiện tại cứ 5 người trưởng thành thì có 1 người mắc bệnh tăng huyết áp.
4. Cần làm gì để cắt giảm lượng muối, thay đổi thói quen ăn mặn trong khẩu phần ăn hàng ngày?

Chế độ ăn mặn tích tụ lâu ngày sẽ làm tăng nguy cơ mắc bệnh nguy hiểm tiềm tàng, đặc biệt là bệnh cao huyết áp đang dần xuất hiện nhiều ở người dưới 40 tuổi. Vì vậy bạn nên thay đổi thói quen ăn uống cũng như khẩu vị của mình để bảo vệ sức khỏe của bản thân và gia đình. Dưới đây là một số giải pháp để điều chỉnh thói quen ăn mặn:
- Ăn nhiều các loại thực phẩm tươi sống: Hầu hết các loại trái cây và rau xanh chứa hàm lượng muối natri thấp. Thịt tươi cũng chứa ít muối natri hơn so với các loại thịt đã qua chế biến như thịt nguội, thịt xông khói, xúc xích, dăm bông,…
- Lựa chọn các thực phẩm, gia vị giảm mặn: Hiện nay, trên thị trường đã có các sản phẩm giảm mặn. Hầu như người Việt đều sử dụng nước mắm trong mọi bữa ăn nên có thể chọn các loại nước mắm giảm mặn để thay đổi thói quen ăn mặn mà vẫn giữ được hương vị đậm đà cho bữa cơm.
- Tự chế biến thức ăn tại nhà: Các món ăn chế biến sẵn thường có lượng muối natri cao hơn giới hạn cho phép trong ngày.
- Có thể thay muối bằng các loại gia vị khác khi nấu ăn.
- Hạn chế ăn các loại thực phẩm chế biến sẵn như mì ăn liền, giò chả, bim bim,…
- Đọc hàm lượng muối trên nhãn thực phẩm trước khi mua.
Như vậy bài viết trên đã giúp các bạn giải đáp thắc mắc về việc ăn mặn có tốt không? Thực hiện chế độ ăn với lượng muối vừa đủ mỗi ngày để bảo vệ sức khỏe cho bản thân và gia đình bạn nhé!