Cá hồi không chỉ là món ăn ngon mà còn rất giàu dinh dưỡng và tốt cho sức khỏe. Vậy ăn cá hồi sống có tốt không? Hãy cùng chúng tôi phân tích qua bài viết dưới đây nhé!
1. Ăn cá hồi sống có tốt không?

1.1 Lợi ích dinh dưỡng của cá hồi
Cá hồi được đánh giá là loại thực phẩm chứa nhiều thành phần dinh dưỡng. Dưới đây là một số lợi ích mà cá hồi mang lại cho sức khỏe:
1.1.1 Cá hồi chứa nhiều axit béo Omega – 3
Không giống như các loại chất béo khác, cơ thể không thể tự tạo ra axit béo Omega – 3 mà phải lấy từ thực phẩm. Đây là chất béo thiết yếu cần thiết cho cơ thể. Và cá hồi là nguồn cung cấp axit béo Omega – 3 EPA và DHA tốt nhất.
EPA và DHA rất có lợi cho sức khỏe như giảm viêm, giảm huyết áp, giảm nguy cơ ung thư và cải thiện chức năng của tế bào nối động mạch.
1.1.2 Cung cấp protein
Cá hồi rất giàu protein cần thiết cho cơ thể để bảo vệ sức khỏe xương và duy trì cơ bắp trong quá trình giảm cân và quá trình lão hóa. Ngoài ra còn giúp cơ thể hồi phục sau chấn thương.
1.1.3 Cá hồi có lượng vitamin B cao
Cá hồi cung cấp một số vitamin B cần thiết để sản xuất năng lượng, giảm viêm, bảo vệ sức khỏe tim và não.
1.1.4 Cung cấp Kali, chứa Astaxanthin chống oxi hóa
Hàm lượng Kali cao trong cá hồi giúp kiểm soát huyết áp và ngăn ngừa tích nước dư thừa.
Astaxanthin là một hợp chất liên quan đến chất chống oxi hóa làm giảm nguy cơ mắc bệnh tim bằng cách giảm quá trình oxi hóa cholesterol xấu và tăng cholesterol tốt. Ngoài ra hợp chất này còn rất tốt cho não, hệ thần kinh và sức khỏe làn da.
1.1.5 Giúp kiểm soát cân nặng
Giống như các loại thực phẩm giàu protein khác, cá hồi kiểm soát sự thèm ăn.
Nghiên cứu cho thấy chất béo Omega – 3 trong cá hồi có thể thúc đẩy quá trình giảm cân và giảm mỡ bụng. Một nghiên cứu khác ở trẻ em mắc bệnh gan nhiễm mỡ không do rượu cho thấy bổ sung DHA, Omega – 3 trong cá hồi giúp giảm đáng kể lượng mỡ trong gan và mỡ bụng.
1.2 Ăn cá hồi sống có tốt không?

Không thể phủ nhận thịt cá hồi chứa nhiều dưỡng chất cũng như khoáng chất tốt cho cơ thể. Các nhà khoa học cũng đã nghiên cứu được rằng, trong trạng thái tươi sống thì cá hồi sẽ giữ được hương vị cũng như hàm lượng dinh dưỡng đầy đủ nhất. Vì vậy rất nhiều người ưa thích món cá hồi sống. Bởi khi không có tác động của nhiệt, rất nhiều dưỡng chất trong cá hồi được bảo toàn nguyên vẹn, nhờ vậy mà những lợi ích kể trên cũng được phát huy hiệu quả hơn.
Tuy nhiên, việc ăn cá hồi sống cũng có nhiều mặt trái. Bạn có thể sẽ phải đối mặt với nguy cơ về vệ sinh an toàn thực phẩm bởi có nhiều trường hợp phát hiện sán trong thịt cá hồi. Nguyên nhân là do cá hồi trong quá trình sống đã ăn phải trứng giun hay trứng sán. Chưa kể đến việc cá bị ô nhiễm hóa chất, thủy ngân,… trong quá trình nuôi hoặc đánh bắt. Vì vậy để đảm bảo sức khỏe bạn không nên ăn nhiều cá hồi sống.
Để tránh rủi ro liên quan đến việc ăn cá hồi sống thì khi ăn chúng ta nên lựa chọn cá hồi được đánh bắt hoặc nuôi theo tiêu chuẩn ở vùng nước an toàn, không bị ô nhiễm. Quan trọng nhất là bạn cần phải đảm bảo cá hồi được chế biến sạch sẽ, an toàn vệ sinh.
1.3 Nguy cơ cho sức khỏe khi ăn cá hồi sống
`Cá hồi sống có thể chứa vi khuẩn, ký sinh trùng và các mầm bệnh khác. Một số vi khuẩn, ký sinh trùng hay các mầm bệnh này xảy ra một cách tự nhiên trong cơ thịt cá, một số khác là do bảo quản và chế biến cá không đúng cách. Vì vậy nếu ăn cá hồi sống bạn sẽ có nguy cơ nhiễm giun sán. Các triệu chứng thường gặp như giảm cân, đau bụng, tiêu chảy,…Một số trường hợp có thể gây thiếu máu.
Cá hồi sống cũng có thể chứa các chất gây ô nhiễm từ môi trường như POP. POP là các hóa chất độc hại như thuốc trừ sâu, hóa chất sản xuất công nghiệp, chất chống cháy,…Nếu bạn ăn phải cá hồi bị nhiễm chất này có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh ung thư, dị tật bẩm sinh và rối loạn nội tiết.
1.4 Những lưu ý khi ăn cá hồi sống để bảo vệ sức khỏe

Để giảm rủi ro trong việc ăn cá hồi sống, bạn nên thử học ngay bí quyết ăn cá sống mỗi ngày của người Nhật Bản. Cùng điểm qua vài lưu ý khi lựa chọn và ăn cá hồi sống nhé:
- Cá hồi sống nên được đóng gói trong môi trường vô trùng, áp dụng công nghệ tiên tiến cũng như máy móc hiện đại, cấp đông nhanh ở nhiệt độ -40 độ C để giữ được hương vị tươi ngon và là cách để tiêu diệt ký sinh trùng.
- Sau đó cho vào nhiệt độ -18 độ để ổn định giúp sản phẩm giữ được sự tươi ngon vốn có. Khi mua hoặc ăn các món có cá hồi sống, bạn cũng nên kiểm tra kỹ về mặt cảm quan. Nên chọn cá hồi có màu tươi sáng, săn chắc và ẩm, có mùi thơm, không bị bầm tím, đổi màu hoặc mất mùi.
- Kiểm tra cá hồi một cách trực quan trước khi ăn cũng rất hữu ích nhưng vẫn chưa đủ vì nhiều kí sinh trùng rất khó để phát hiện. Nên mua cá hồi từ các nhà cung cấp có uy tín.
- Chỉ nên mua cá hồi được ướp đông lạnh hoặc được bày bán với hình thức bọc kín trên một tảng băng dày. Chọn cá hồi tươi, không nên mua cá hồi có mùi chua hoặc quá tanh.
- Không ăn cá hồi sống đã để ra ngoài tủ lạnh trong vòng 1 – 2 giờ, vì lúc đó vi khuẩn sẽ nhân lên nhanh chóng ở nhiệt độ phòng. Rửa tay trước khi chế biến món cá hồi sống.
- Khi chế biến cá hồi sống cần đảm bảo an toàn vệ sinh bề mặt và dụng cụ dùng để chế biến như bàn bếp, dao, thớt, đồ đựng thực phẩm và để trong tủ lạnh đến khi ăn để ngăn ngừa vi khuẩn.
Khi ăn cá hồi sống, bạn nên học theo người Nhật bằng cách ăn cá chung với mù tạt và nước tương Nhật Bản. Điều đó không chỉ giúp ngăn ngừa độc tố có trong cá mà còn làm tăng vị ngon cho món ăn này. Ngoài ra bạn nên ăn cá kèm với gừng để hỗ trợ tiêu hóa và làm sạch miệng của mình.
2. Bà bầu ăn cá hồi sống có tốt không?

Bà bầu ăn cá hồi thường xuyên có thể giúp bảo vệ sức khỏe tim mạch bằng cách tăng mức chất béo Omega – 3 , giảm mức chất béo Omega – 6 và giảm chất béo trung tính. Cá hồi còn có thể giúp giảm các triệu chứng lo lắng và trầm cảm, bảo vệ sức khỏe não bộ của thai nhi trong thai kỳ và giảm nguy cơ mắc các vấn đề về trí nhớ do tuổi tác.
Tuy nhiên, các chuyên gia dinh dưỡng khẳng định dù bổ dưỡng nhưng việc ăn cá hồi sống tiềm ẩn nhiều nguy hiểm, đặc biệt là phụ nữ mang thai. Bà bầu ăn cá hồi sống có nguy cơ nhiễm các loại giun hay ký sinh trùng như sán lá gan, sán dây và giun đũa. Ấu trùng giun từ các thớ thịt cá đi vào đường tiêu hóa, có thể phát triển nhiều năm trong hệ tiêu hóa rồi lan khắp cơ thể gây bệnh. Nhiễm giun sán từ việc ăn cá hồi sống có thể gây đau dạ dày, nôn mửa, chán ăn, phát ban ngoài da, tiêu chảy và lên cơn sốt. Đây là những hiện tượng cực kì nguy hiểm đối với bà bầu.
Trong cá hồi sống có thể còn chứa nhiều loại vi khuẩn khác như listeria, vibrio, clostridium và salmonella. Nếu ăn phải cá hồi bị nhiễm khuẩn sẽ gây bệnh đường ruột, ngộ độc thực phẩm. Đặc biệt vi khuẩn listeria có thể gây tử vong cho thai nhi.
Bên cạnh nguy cơ nhiễm khuẩn, bà bầu ăn cá hồi sống có thể sẽ tích tụ nhiều chất thải, kim loại độc hại có trong cá hồi như POPs, PBDE. Thịt cá hồi có thể chứa hàm lượng kim loại nặng tương đối cao như asen, thủy ngân, dioxin và nhiều chất độc khác.
Vì vậy bà bầu được khuyến cáo nên ăn cá hồi đã nấu chín kỹ để đảm bảo sức khỏe cho mẹ và bé.
3. Trẻ em ăn cá hồi sống có tốt không?

Cá hồi có hàm lượng dinh dưỡng vô cùng đáng kể như axit béo, Omega – 3, protein, vitamin B,…đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy sự hình thành, phát triển não bộ của trẻ em, tăng cường trao đổi chất.
Các chuyên gia dinh dưỡng khuyến cáo, trẻ em nên ăn cá ít nhất 2 lần một tuần, đặc biệt là các loại cá béo như cá hồi và một số loại cá khác có nhiều axit béo Omega – 3.
Tuy nhiên, hệ tiêu hoá và miễn dịch của trẻ em còn quá non nớt. Chính vì thế, chúng ta không nên cho trẻ em ăn cá hồi sống, để tránh gây ảnh hưởng đến sức khỏe của các bé. Bởi thực tế có nhiều trẻ em khi ăn cá hồi sống bị rối loạn tiêu hóa, dị ứng hoặc bị giun sán. Các bậc cha mẹ nên cẩn trọng với món ăn này, nên chế biến chín cá hồi thành các món ăn thơm ngon hấp dẫn cho trẻ.
Trên đây là những chia sẻ về vấn đề ăn cá hồi sống có tốt không. Để đảm sức khỏe cũng như thưởng thức món ăn ngon nhất, bạn nên lựa chọn cá hồi tươi sống, có nguồn gốc rõ ràng và đảm bảo an toàn thực phẩm. Hy vọng bài viết trên đã giúp bạn phần nào trong việc giải đáp những thắc mắc về món cá hồi sống.